Trước HĐXX, bị cáo Hong Thị Thúy Nga, cựu Ph Tổng Giám đốc Cng ty AIC cho biết, bản thân bị cáo c đề nghị gia đình, bạn bè giúp đỡ khắc phục thiệt hại cho các nhân viên của mình.
Trong phiên tòa chiều 22/12, khi trả lời các câu hỏi của Viện kiểm sát, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) cho rằng nhân viên của mình có khai về việc chỉ đạo lập báo cáo dự kiến cho đấu thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai là đúng. Việc gặp mặt Nguyễn Công Tiến bên Công ty thẩm định giá là đúng nhưng không chỉ đạo Nguyễn Tấn Sỹ (cựu nhân viên Công ty TCI) đưa tiền.
Trước tòa, bị cáo Nga có nguyện vọng khắc phục hậu quả và đã có đơn đề nghị gia đình nộp tiền giúp. “Bị cáo cũng đề nghị gia đình, bạn bè giúp đỡ khắc phục thiệt hại cho các nhân viên, bởi tôi thương nhân viên của mình, các bạn có vi phạm nên mới phải khắc phục”, cựu Phó Tổng Giám đốc AIC nói.
Sau lời khai này, Viện kiểm sát cho biết đã nhận đơn của gia đình bị cáo Nga về việc nộp 1 tỉ đồng.
Cũng tại phần xét hỏi của Viện kiểm sát, bà Nga thừa nhận lỗi của mình liên quan đến việc vi phạm quy định đấu thầu nhưng bị cáo cho rằng sai sót ở đoạn nào thì vẫn đang cân nhắc.
Trước câu trả lời này của bà Nga, Viện kiểm sát khẳng định, bị cáo có định hình được hành vi phạm tội hay không là nhận định của bị cáo. Hành vi này đã xuất phát cách đây từ 9 - 10 năm rồi. Các bị cáo ra tòa, có lúc nhớ lúc không nên Viện kiểm sát phải viện dẫn lời khai trong giai đoạn điều tra để giúp các bị cáo mường tượng, xác nhận lại lời khai. Vấn đề là bị cáo có xác nhận hành vi có vi phạm hay không, vi phạm ở mức độ nào?
Theo lời khai tại tòa của bà Nga, trong thời gian điều tra vẫn có nội dung chưa được làm rõ như các phụ lục hợp đồng, trong hồ sơ dự thầu. Đến đây, Viện kiểm sát một lần nữa nhắc lại Viện kiểm sát truy tố Hoàng Thị Thúy Nga có hành vi “đi ngầm” ở 12 hợp đồng; không đặt vấn đề về tài liệu bị cáo đã ký, đây là vấn đề nằm sau hợp đồng này.
Trước khi kết thúc phần xét hỏi đối với bà Nga, Viện kiểm sát nhấn mạnh ai kinh doanh cũng muốn lợi nhuận lớn nhưng không được vi phạm, phải tuân thủ pháp luật. Việc vi phạm của bị cáo là “đi đêm”, thông đồng, móc ngoặc với công ty thẩm định giá.
Cũng trong phần xét hỏi chiều nay, bị cáo Lưu Văn Phương (nguyên nhân viên Công ty AIC) tiếp tục cho rằng bị cáo bị oan. Trong gói thầu số 07, bị cáo Phương chỉ làm hồ sơ đấu thầu lần 1, nhưng sau đó hồ sơ này không trúng thầu. Tới lần thứ 2, khi chủ đầu tư hạ tiêu chí đấu thầu, AIC tham gia dự thầu mới trúng thầu. Trong lần thứ 2 đó, bị cáo Phương cho rằng bị cáo không làm hồ sơ dự thầu vì khi đó bị cáo đang đi công tác Vũng Tàu 6 tháng.
Tuy nhiên, trước đó, bị cáo Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm hồ sơ - Ban Quản lý Dự án 1 Công ty AIC) khai việc lập hồ sơ dự thầu gói số 07 là do bị cáo Phương làm cả 2 lần. Về nội dung này, bị cáo Phương cho rằng bị cáo Tuân đã vu khống cho mình.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thực hiện chỉ đạo của Hoàng Thị Thúy Nga, Lưu Văn Phương liên hệ với Nguyễn Huy Mạnh - nhân viên Công ty TNT, đồng thời đại diện cho hãng Drager, lấy cấu hình, thông số kỹ thuật, catalogue và báo giá của các thiết bị dự kiến để lập Hồ sơ dự thầu gói thầu số 07. Bị cáo Phương tính toán “giá đầu ra” cho các thiết bị của gói thầu trên cơ sở lấy “giá đầu vào” do Công ty TNT cung cấp nhân với 30% và xây dựng báo giá để chuyển cho đơn vị tư vấn thẩm định giá làm căn cứ xác định giá của gói thầu trong Chứng thư thẩm định giá. Sau đó, Công ty AIC trúng thầu Gói số 07 theo mức giá do Phương đưa ra, gây thiệt hại hơn 8,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Lưu Văn Phương còn liên hệ với nhà thầu tư vấn thiết kế điều chỉnh thiết kế Hệ thống khí y tế để chuyển cho chủ đầu tư phê duyệt; đồng thời là người được giao giám sát thi công xây lắp, nghiệm thu gói thầu số 07 do Công ty TNT trực tiếp xây lắp.
Phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc vào 8h sáng ngày mai (23/12).