Vấn đề quan tâm

Đề xuất phụ nữ có 2 con ở khu công nghiệp, khu chế xuất được hỗ trợ NƠXH

Nguyễn Cúc /05/2025 19:17

Bộ Y tế đang lấy ý kiến Dự thảo Luật Dân số với nhiều điểm mới mang tính đột phá như đề xuất phụ nữ có 2 con tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi mức sinh thấp được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Bảo đảm quyền sinh sản, duy trì mức sinh thay thế

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Dự thảo là quy định rõ quyền của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc quyết định thời điểm sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Quy định này thay thế cho Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), thể hiện sự tiến bộ trong việc tôn trọng quyền cá nhân, đồng thời thích ứng linh hoạt với tình hình dân số hiện nay.

Để duy trì mức sinh thay thế, Dự thảo đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Chính phủ sẽ định kỳ công bố tình trạng mức sinh, từ đó các địa phương căn cứ vào đó để xây dựng chính sách phù hợp. Với những địa phương có mức sinh rất thấp, Quốc hội sẽ được đề xuất để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Đặc biệt, Dự thảo bổ sung chính sách kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng cho lao động nữ sinh con thứ hai – một sự điều chỉnh mang tính khuyến khích, phù hợp với thực tiễn đời sống. Phụ nữ sinh đủ hai con tại các khu công nghiệp, chế xuất và địa phương có mức sinh thấp cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH theo quy định mới của Luật Nhà ở năm 2023.

Song song đó là các quy định tăng cường vai trò của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp kiến thức tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con cái, giúp hình thành quan điểm gia đình hiện đại: “nên có hai con và nuôi dạy con tốt”.

connn.jpg
Ảnh minh họa

Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định nghiêm cấm mọi hành vi lựa chọn giới tính thai nhi – một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh trong những năm qua. Theo đó, Chính phủ sẽ công bố định kỳ tình trạng giới tính khi sinh tại các địa phương và phân loại mức độ mất cân bằng để có các chính sách can thiệp phù hợp.

Một điểm mới nổi bật là đề xuất nâng mức xử phạt hành chính lên tới 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm về giới tính thai nhi. Để triển khai điều này, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Song song với các biện pháp xử lý, công tác tuyên truyền, truyền thông cũng được nhấn mạnh nhằm thay đổi nhận thức xã hội, xóa bỏ định kiến giới, nâng cao vị thế phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và cộng đồng.

Thích ứng với già hóa dân số

Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc chăm sóc người cao tuổi. Dự thảo Luật đưa ra hệ thống chính sách nhằm thích ứng với xu hướng này như phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở chuyên biệt; đồng thời đẩy mạnh đào tạo nhân lực ngành lão khoa, cấp học bổng, hỗ trợ học phí cho người học chuyên ngành chăm sóc người cao tuổi.

Đáng chú ý, Nhà nước sẽ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi chưa có thẻ, góp phần bảo đảm an sinh cho nhóm dân số dễ bị tổn thương này. Các nội dung thích ứng với già hóa dân số sẽ được lồng ghép trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh để đảm bảo tính toàn diện và bền vững.

Dự thảo cũng nêu rõ danh mục các bệnh bắt buộc phải tư vấn, khám và sàng lọc, qua đó giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời các dị tật bẩm sinh, bệnh di truyền, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, Luật còn kế thừa những giá trị truyền thống trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sự phát triển toàn diện của mỗi công dân.

Để đảm bảo tính đồng bộ, Dự thảo Luật Dân số cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản của các luật liên quan như: Bộ luật Lao động, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Xử lý vi phạm hành chính... nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, đồng bộ trong triển khai các chính sách dân số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất phụ nữ c 2 con ở khu cng nghiệp, khu chế xuất được hỗ trợ NƠXH