Tòa án

Tấm gương tiêu biểu của Tiến sĩ, Luật sư Phạm Văn Bạch

Hoàng Kỳ* 23/08/2023 09:38

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, làm thay đổi căn bản số phận của mỗi người dân và cả dân tộc.

Nguồn sáng tin yêu từ lãnh tụ Hồ Chí Minh và Cách mạng Tháng Tám đã trở thành niềm kiêu hãnh, sức kết nối, lan tỏa của triệu triệu con tim và là niềm cảm hứng lớn lao cho cả dân tộc tự tin tiến về phía trước.

Trong những đóng góp, hy sinh của rất nhiều nhân sĩ, trí thức, phải kể đến tấm gương tiêu biểu của Tiến sĩ, Luật sư Phạm Văn Bạch - Nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam bộ, nguyên Chánh án TANDTC đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Người con ưu tú của vùng đất An Giang anh hùng.

Tiến sĩ, Luật sư Phạm Văn Bạch với tư tưởng dân chủ, tinh thần yêu nước

Ông sinh ngày 18/6/1910 tại quê mẹ, làng Khánh Lộc, nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cha ông là cụ Phạm Văn Hảnh, quê quán: làng Vĩnh Tế, tỉnh Châu Đốc (nay là phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang).

Từ thuở thiếu thời, ông là người thông minh, học giỏi, học tiểu học ở quê mẹ Trà Vinh, sau đó đậu học bổng vào Trường Collge de Cần Thơ, trường Collge de Mỹ Tho. Niên học 1925 - 1926, trước nhiều biến cố chính trị của đất nước, ông bị đuổi học cùng học sinh do “Tình nghi làm chính trị” và bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh khi mới 16 tuổi.

Năm 1926, người thanh niên Phạm Văn Bạch theo gia đình người cậu thứ tư, xuất cảnh sang Pháp. Sau đó, bố vợ cậu tư - Một tiểu tư sản thiên tả, ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, sắp xếp cho ông ở lại Pháp, theo học trung học, đại học tại khoa Luật Đại học Lyon miền Đông Nam nước Pháp. Tại đây, ông chọn ngành luật để làm cơ sở đấu tranh chống áp bức bất công, cải tạo xã hội công bằng, bình đẳng. Sau đó, ông tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh.

z4623100838659_92a112b6632edcd6d2633c59693480.jpg
Tiến sĩ, Luật sư Phạm Văn Bạch

Với tâm huyết đóng góp vào phong trào cách mạng thế giới, ông đã nghiên cứu những đề tài và luận án tốt nghiệp táo bạo, khác biệt, chưa có sinh viên dám đề cập đến. Ông tốt nghiệp Cử nhân Triết học với đề tài “Hiến pháp Xô-viết và thực tiễn Xô-viết - Giải pháp đúng đắn cho vấn đề dân tộc và giai cấp” và luận án tiến sĩ với đề tài “Cách mạng ruộng đất và thực tiễn Xô - Viết”, ngay tại trung tâm tư bản phương Tây. Đa số sinh viên, giáo sư hội đồng chấm thi, nhất là viên chánh chủ khảo - Giáo sư Francois Perroux đều phản bác lại những tư tưởng của ông trình bày trong luận án.

Tuy nhiên, cuối cùng, hội đồng chấm thi đã đánh giá Luận án của ông có tính chất khoa học, nghiêm chỉnh và cho “Mention tres bien” (Ưu hạng) do tiếp cận Chủ nghĩa Mác-Lênin từ thư viện xã Villeurbaume và chịu ảnh hưởng của hai giáo sư am hiểu lý thuyết Cộng sản.

Tầm nhìn xa, tư duy tiến bộ, Phạm Văn Bạch không bị tiền tài, vật chất, quyền thế cám dỗ, ông đã chọn con đường cách mạng cho lẽ sống.

Từ một trí thức thượng lưu, với bằng Tiến sĩ Luật tại Pháp, cuối năm 1936 ông về nước. Dù được chính quyền mời làm việc nhưng ông không hợp tác với chế độ thực dân mà chọn nghề và giảng dạy tại trường College de Cần Thơ, đồng thời hành nghề luật sư.

Ông tìm mọi phương thức đưa tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tinh thần dân chủ quốc tế đến với học sinh; đưa nội dung chống thực dân, phong kiến vào bài giảng; biến các “Tuần lễ thuộc địa” chương trình của Pháp quốc thành “Tuần lễ chống thực dân”. Lúc này, Lucelte Chargnioux (Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản tỉnh Rhôme - Pháp) tác động những người cộng sản Pháp giới thiệu ông với Xứ ủy Nam kỳ.

Từ đó ông có mối quan hệ mật thiết với đồng chí Nguyễn Văn Cái (Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre), bắt đầu tham gia các hoạt động giúp đỡ, bào chữa cho các cán bộ cách mạng bị mật thám bắt, truy tố tại Cần Thơ và một số tỉnh miền Tây Nam bộ.

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ông nhận định phải liên lạc với các tổ chức chính trị bí mật để hoạt động chứ không thể đơn lẻ làm việc mà độc lập đến với mình được. ông bộc bạch: “Các cậu không hiểu được suy tưởng của đa số người Việt Nam lúc bấy giờ: hạnh phúc biết bao nếu như mình có thể đem mạng sống nhỏ nhoi đổi lấy một cái gì đó cho đồng bào, cho Tổ quốc!”.

Lúc này, trước tình thế Nhật quyết định trưng dụng ông làm Chánh án Tòa án tỉnh Cần Thơ, Ông tham khảo ý kiến của tổ chức và được “khuyên nhận lời vì ở vị trí đó sau này có thể giúp đỡ anh em dễ dàng hơn”. Ông tin tưởng và chấp hành sự phân công của tổ chức, quyết chọn con đường có lợi cho cách mạng.

z4623100850998_c3f44161a175add6fa720c5fd294a6c9.png
Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch tiếp Chánh án TANDTC Liên Xô Smiarnop. Người phiên dịch là ông Nguyễn Đình Lộc.

Tháng 8/1945, đồng chí Phạm Văn Bạch là một trong những nhân vật chủ chốt được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Cái giao lãnh đạo giành chính quyền tại tỉnh Bến Tre. Ông được phân công giữ chức Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh (Từ tháng 8/1945 đến ngày 10/9/1945). Tháng 9/1945, đồng chí Hoàng Quốc Việt đại diện Trung ương Đảng cùng đại diện Xứ ủy Nam bộ mời ông lên Sài Gòn, giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam bộ (từ ngày 11/9/1945 đến tháng 12/1946).

Để xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến kiến quốc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Chính phủ lâm thời tổ chức chu đáo, khẩn trương việc soạn thảo Hiến pháp cùng các công việc cho Tổng tuyển cử. Bản dự án Hiến pháp được Hội đồng Chính phủ thảo luận, sửa đổi, bổ sung, công bố trên báo chí và gửi văn bản đến tận các làng, xã, thôn, bản để xin ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Phạm Văn Bạch là một trong những thành viên tham gia biên soạn Hiến pháp năm 1946 - Văn bản pháp luật tối cao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.

Ngày 29/6/1946, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Từ tháng 12/1946, được cử giữ nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam Bộ, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam. Đến tháng 3/1948, ông phụ trách từ tỉnh Phú Yên đến mũi Cà Mau.

Sau Hiệp định Geneve, tháng 9/1954, ông Phạm Văn Bạch cùng đoàn 9 người Nam Bộ đầu tiên tập kết ra Bắc, được Bác Hồ đích thân đón tại Thái Nguyên. Sau đó, ông được phân công giữ chức vụ Phó Trưởng Ban miền Nam của Trung ương Đảng (từ tháng 9/1954 đến tháng 12/1954).

Từ khi được giao nhiệm vụ lãnh đạo giành chính quyền (tại tỉnh Bến Tre trong Cách mạng tháng Tám năm 1945), giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bến Tre, trở thành người đứng đầu bộ máy chính quyền cách mạng ở miền Nam trong chín năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), kiêm Bí thư Đảng đoàn, Ủy viên liên chi ủy cơ quan Văn phòng Trung ương Cục miền Nam - Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ.

Chủ tịch Phạm Văn Bạch - người đứng đầu chính quyền cách mạng - luôn kiên quyết bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trước thái độ khiêu khích, gây hấn của địch. Ông dõng dạc tuyên bố với kẻ địch: “Cả Sài Gòn - Chợ Lớn đều đứng sau lưng chính quyền chúng tôi. Là những người đại diện chân chính và duy nhất hợp pháp, chúng tôi ở đây do nguyện vọng, ý chí của nhân dân và là đại diện cho chính phủ Trung ương của chúng tôi”.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ đã xác định, xuất phát từ đặc điểm riêng của Nam bộ, không sử dụng biện pháp tước đoạt bằng bạo lực để giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân.

Thực hiện chính sách kinh tế mới, xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân vùng giải phóng được cải thiện, tầng lớp trung nông chiếm 70% dân số, vừa đạt được mục tiêu người cày có ruộng, vừa giữ được sự ổn định ở hậu phương, thực hiện thắng lợi khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Ông là người đại diện Bộ Tài chính ký tên trên tiền giấy bạc Việt Nam - Tiền Nam Bộ. Giấy bạc này “ra đời tại Nam Bộ vào thời điểm bấy giờ như một thứ vũ khí rất sắc bén được trang bị kịp thời cho quân dân Nam Bộ tăng sức mạnh, giành lại thế chủ động trong cuộc đấu tranh kinh tế - tài chính - tiền tệ, xây dựng nền kinh tế kháng chiến Nam Bộ vững mạnh, làm nền tảng tạo điều kiện liên tục chiến thắng trên mặt trận quân sự, chính trị, đập tan âm mưu của giặc Pháp bình định Nam Bộ để làm bàn đạp xâm lược Việt Nam một lần nữa”.

Chánh án TANDTC đầu tiên của nước ta, đóng góp to lớn vào việc soạn thảo Hiến pháp và hệ thống pháp luật thời kỳ đổi mới

Từ lúc tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Văn Bạch được Đảng phân công giữ nhiều trọng trách trong Đảng, chính quyền, ngành tư pháp, các đoàn thể chính trị - xã hội - nghề nghiệp (trong nước và quốc tế). Đặc biệt, là một trí thức có bằng Tiến sĩ Luật do nước Pháp đào tạo, một nhà cách mạng tiêu biểu của miền Nam thành đồng Tổ quốc, Phạm Văn Bạch được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu và kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa I diễn ra từ ngày 20 đến ngày 27 tháng 5 năm 1959 đã phê chuẩn đồng chí Phạm Văn Bạch giữ chức Chánh án TANDTC.

z4623100845160_8afb9eb95b0d9fc745aa3106e7dce347.png
Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch dẫn đoàn đi thăm quan Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ người đứng đầu chính quyền cách mạng Nam Bộ, tập kết ra miền Bắc, giữ nhiều trọng trách ở Trung ương trong 21 năm chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), nhất là khi làm Chánh án TANTDC suốt 22 năm (1959 - 1981), Ông đã đóng góp to lớn cho hoạt động lập pháp, tư pháp, góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Ông đã tham gia biên soạn Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980. Từ tháng 5/1966 đến tháng 4/1975, Ông tham dự 14 hội nghị quốc tế lên án tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam tại các nước (Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Cu Ba, Cộng hòa dân chủ Đức, Liên Xô), đấu tranh bảo vệ sự nghiệp cách mạng, bảo vệ nền dân chủ, nền luật học Việt Nam.

mo_bia.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang thực hiện nghi thức mở bia tiểu sử Tiến sĩ, Luật sư Phạm Văn Bạch tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Trên mọi cương vị, trong mọi hoàn cảnh, đồng chí Phạm Văn Bạch đều toát lên sự đáng kính về tâm huyết, ý thức trách nhiệm, năng lực chuyên môn

Phạm Văn Bạch với một tấm lòng yêu nước sâu sắc, lối sống nghĩa tình, thái độ gần dân, trọng dân, vì dân; luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng đời sống nhân dân và cán bộ cấp dưới. Trong đời thường, ông sống liêm khiết, giản dị, trọng tình người, là một nhân cách lớn để chúng ta học tập và làm theo.

Đến tuổi hưu trí, ông vẫn luôn quan tâm đến công tác lập pháp, công tác điều hành của bộ máy Nhà nước trên cơ sở quy định pháp luật nói chung, cũng như ngành tư pháp nói riêng.

Ông chia sẻ: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đến nay, chúng ta không có điều kiện xây dựng luật pháp có hệ thống. Điều mong mỏi hiện tại của tôi là phải chấm dứt tình trạng thiếu pháp luật nói chung trong việc quản lý của Nhà nước…, để các ngành của Nhà nước thống nhất nhận thức và hành động. Có vậy, nhân dân mới có đủ điều kiện kiểm tra hoạt động của các cơ quan nhà nước, tiến dần tới làm chủ tập thể thật sự xã hội của mình. Công việc Tòa án là một công việc rất nhiêu khê, rối rắm, nhưng khi tháo gỡ được một cái gút nào đó cho nhân dân hưởng lẽ công bằng của chân lý, thật không gì hạnh phúc bằng”.

Có thể nói, từ một trí thức luật học, với một tinh thần yêu nước, đồng chí Phạm Văn Bạch trở thành Chủ tịch Ủy ban hành chính Nam bộ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam, rồi trở thành Chánh án TANDTC đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến cử cho Quốc hội bầu vào tháng 5/1959.

Chánh án TATDNTC Phạm Văn Bạch luôn nêu cao tinh thần yêu nước, sống liêm khiết, trong sạch, một lòng phục vụ đất nước, phụng sự nhân dân, kiên quyết bảo vệ công lý, góp phần to lớn trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Đảng ta luôn hướng tới.

binh.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang và các đại biểu thực hiện nghi thức đặt tên đường Phạm Văn Bạch tại phường Núi Sam, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Để ghi nhận công lao của Chánh án TANDTC Phạm Văn Bạch, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Sau khi đồng chí Phạm Văn Bạch mất vào ngày 08/3/1987, ông được nhiều địa phương đặt tên đường tại các thành phố lớn (Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu...).

An Giang tự hào là quê hương của bậc trí thức giàu lòng yêu nước, yêu Chủ nghĩa xã hội, luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, suốt đời cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phạm Văn Bạch - Chánh án TANDTC đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tiếp nối truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và tinh thần đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang tích cực học tập, lao động và chiến đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp - văn minh.

(* TS. Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tấm gương tiêu biểu của Tiến sĩ, Luật sư Phạm Văn Bạch