Sáng 28/11, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Ph Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng chủ trì Hội nghị tập huấn trực tuyến chuyên đề “Kỹ năng xét xử trực tuyến”.
Tham dự Hội nghị phía điểm cầu trung tâm có các đồng chí thuộc thành viên Hội đồng Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký viên TANDTC, cùng gần 800 điểm trên toàn quốc gồm các TAND cấp cao, Tòa án quân sự, Học viện Tòa án và TAND cấp tỉnh, huyện.
Hội nghị có sự tham gia của ông He Fan, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC Trung Quốc, được kết nối từ điểm cầu Bắc Kinh, Trung Quốc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng nhấn mạnh sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) trong thời điểm hiện nay đã góp phần hiệu quả vào hoạt động của quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, CNTT đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sự thông suốt, liên tục của các hoạt động tư pháp.
Dẫn chứng cho việc này, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho biết những nước có nền khoa học tiên tiến và sớm chú trọng ứng dụng CNTT vào hoạt động xét xử đã đạt được những thành tựu lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử và Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong vấn đề này.
Theo Phó Chánh án, Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của thế giới và thời gian qua lãnh đạo TANDTC luôn chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các Tòa án để hướng tới xây dựng Tòa án điện tử, trong đó xác định việc tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến là một nội dung quan trọng của đề án này.
Xét xử trực tuyến đã đem lại ưu điểm như, tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kiện trong vụ án hành chính tham gia phiên tòa; đảm bảo tính nhân văn trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự (đối với các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc người bị hại là trẻ em thì không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên tòa hay những đương sự trong vụ án dân sự không có điều kiện tham gia phiên tòa thì có thể tham gia tại điểm cầu trực tuyến…)...
Hội nghị đã được nghe Báo cáo viên He Fan, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TANDTC Trung Quốc chia sẻ 2 tham luận: Tổng quan về Quy tắc tố tụng trực của TANDTC Trung Quốc: Một số nội sung cần lưu ý; Kinh nghiệm xét xử trực truyến của TANDTC Trung Quốc: Một số thành tựu và khó khăn vướng mắc.
Theo ông He Fan, Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn, với hệ thống Toà án có cấu trúc tương tự với hệ thống Toà án tại Việt Nam với TANDC và 31 TAND cấp tỉnh với tổng cộng khoảng 3500 Toà án. Hệ thống xét xử trực tuyến tại Trung Quốc đã phát triển được khoảng 10 năm. Trong thời gian đầu phát triển Trung Quốc cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, cho đến nay đã đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng.
Cũng tại Hội nghị, ông He Fan đã giải đáp và chia sẻ một số câu hỏi liên quan đến những yếu tố trong xét xử trực tuyến như: Vấn đề về tài liệu; Yêu cầu của các bên khi kiên quyết đòi bên còn lại tham dự trực tiếp; Các yêu cầu về mặt kỹ thuật của phiên toà trực tuyến; Bảo đảm vấn đề người làm chứng; Một bên đương sự do yếu tố bảo mật mà không thể tham dự phiên toà cùng một lúc...
Ông He Fan chia sẻ, hiện nay tố tụng trực tuyến tại Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều trở ngại do hệ thống chồng chéo, khó đồng bộ, tiêu chuẩn dữ liệu thiếu đồng nhất, hay việc kiểm tra nhân thân còn nhiều hạn chế, chưa chính xác và tồn tại rủi ro, thực tế vẫn có thể xảy ra tình trạng mạo danh người khác tham gia tố tụng. Ngoài ra việc người dân nhận thức còn kém về tư pháp khiến cho trật tự phiên toà gặp nhiều vấn đề.
Trong thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục triển khai xét xử trực tuyến, điều chỉnh phạm vi, thẩm quyền của các Toà án Internet hiện tại. Đồng thời nghiên cứu Toà án ảo, trên cơ sở lượng án phân bố không đều, hệ thống sẽ phân bố án theo từng khu vực, cho các Thẩm phán có khối lượng công việc ít hơn, tạo điều kiện cho người dân tham dự tố tụng trực tuyến.
Đối với trí tuệ nhân tạo sẽ chủ yếu được áp dụng vào các lĩnh vực: Phân bố án, giới thiệu vụ án tương tự, tham khảo lập luận, tham khảo lượng hình, giám sát sai sót.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng đánh giá hội nghị có nhiều nội dung quan trọng và rất mới đồng thời khẳng định việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu tất yếu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số, tiến tới xây dựng Tòa án thông minh.
Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xét xử trực tuyến, với nỗ lực cao hơn nữa trong việc khắc phục những khó khăn vướng mắc về công nghệ, về cơ sở vật chất, về con người để đưa xét xử trực tuyến đi vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ người dân, góp phần để Tòa án thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Trên cơ sở đề xuất của TANDTC, ngày 12/11/2021, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH về tổ chức phiên tòa trực tuyến. TANDTC đã phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021 ngày /12/2021, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Sau gần 01 năm triển khai, Tòa án các cấp trong cả nước đã tích cực triển khai xét xử trực tuyến và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Cho đến nay, đã tổ chức được 3763 phiên tòa trực tuyến trên toàn quốc với chất lượng cao, trong đó có 3114 phiên tòa hình sự, 0 phiên tòa dân sự, 251 phiên tòa hành chính và 8 phiên họp áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án.