Dù đã có làn đường dành riêng cùng với hệ thống biển báo cấm phương tiện đi vào "địa phận" của xe bus nhanh BRT, nhưng hình ảnh thường ngày trên tuyến BRT vẫn là các phương tiện tràn vào làn đường này khiến "bus nhanh" biến thành "bus chậm". Nhóm PV Báo Công lý đã có những ghi nhận thực tế từ phía người tham gia giao thông ở tuyến xe bus nhanh BRT01.
Anh Ngô Sĩ Quang (Sinh viên Học viện Tài chính) cho biết bản thân thường sử dụng tuyến BRT để di chuyển từ đường Láng đến đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông, Hà Nội) vào hai khung giờ là 10h sáng và 17h chiều. Theo anh Quang, sở dĩ anh chọn tuyến BRT vì có giá thành rẻ, quãng đường từ nhà đến trường thuận tiện, hành khách ít nên không phải chen lấn, xô đẩy.
“Di chuyển ở hai khung giờ khác nhau nên tôi thấy rõ sự khác biệt. Buổi sáng, tôi đi tầm 10h thì xe rất vắng, tại bến cũng không đông người. Nhưng giờ tan tầm buổi chiều, người xếp hàng “rồng rắn” tại bến, xe buýt cũng tới bến muộn hơn. Có những lúc phải chờ hơn 1 tiếng mà vẫn chưa có xe. Nguyên nhân tôi nghĩ người dân tràn vào bên làn đường BRT vào giờ cao điểm nên không lưu thông nổi”, anh Quang chia sẻ.
Theo quan sát của PV, vào các giờ cao điểm, tại các tuyến đường Giảng Võ, Lê Văn Lương, Tố Hữu,… trục đường có làn đường dành riêng cho tuyến xe bus BRT chạy qua, hàng loạt phương tiện lấn làn khiến xe bus BRT "bò" ngay trên chính làn đường dành riêng cho mình.
Chia sẻ với PV Báo Công lý về tuyến xe bus nhanh BRT01 ông Linh – bảo vệ một doanh nghiệp ở phố Giảng Võ cho biết: “Tôi cũng thường di chuyển bằng bus nhanh BRT. Tôi thấy tuyến này có cái tiện lợi nhưng lưu lượng khách còn vắng. Tuy vậy, xe này chiếm lòng đường nhiều quá, tới 1/3 đường, gây ra ách tắc giao thông. Tuyến xe bus này cũng không thuộc trục đường mà người ta có nhu cầu đi lại nhiều”.
Dù mức phạt lên tới 400 nghìn đồng đối với xe máy và 1,2 triệu đồng đối với ô tô (hình phạt bổ sung tước Giấy phép lái xe 2 tháng) khi người tham gia giao thông có hành vi điều khiển xe vào làn bus nhanh BRT đã có hiệu lực từ lâu, song tình trạng đi lấn vào làn dành riêng cho tuyến xe này vẫn không hề giảm.
Anh Nguyễn Văn Phùng, hành nghề lái xe công nghệ tại đường Láng Hạ cho biết, hầu như tất cả các phương tiện khi di chuyển trên phố Láng Hạ đều đi vào làn đường của tuyến xe bus BRT trong giờ cao điểm. “Trong khung giờ bình thường, các phương tiện khác còn đi vào làn của xe bus BRT còn giờ cao điểm thì khỏi nói. Thời điểm này đi xe bus BRT đúng bất tiện bởi có làn riêng cũng như không vì dân họ tràn vào làn BRT để thoát cảnh ùn tắc. Tôi làm ở khu vực này đã lâu nhưng kể từ khi có tuyến BRT, tôi thấy đường chả khi nào hết tắc, xe bus nói là nhanh nhưng thực ra cũng như xe bus bình thường khác”, anh Phùng nói.
Chia sẽ quan điểm cá nhân, anh Phùng nói việc BRT có một làn đường riêng có vẻ không phù hợp bởi đường Láng Hạ hẹp, mật độ đông mà BRT lại lấy hẳn đi một làn khiến các phương tiện khác không đủ diện tích để di chuyển. Đặc biệt ở các đoạn đường “thắt cổ chai”, tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên. Chủ các phương tiện khác biết có thể bị phạt nguội nhưng tắc qua thì cứ thấy chỗ nào len được thì cứ len vào để thoát.
Theo ghi nhận của PV Báo Công lý, bắt đầu từ khi tuyến xe bus nhanh BRT01 Bến xe Kim Mã – Yên Nghĩa đi vào hoạt động, yêu cầu đảm bảo khung thời gian 40-45 phút hoàn thành xong một chuyến rất khó để thực hiện. Nguyên nhân chính vẫn là do tình trạng ùn tắc hoặc bị các phương tiện khác lấn, chiếm dụng làn BRT. Theo ghi nhận, hầu hết các xe bus nhanh phải cần tới 60-65 phút mới có thể về đến bến cuối.
Anh Võ Vương Trường hành nghề lái xe công nghệ tại đường Lê Văn Lương cho rằng, việc cứ để một làn đường riêng cho tuyến xe bus BRT không hợp lý.
“Thực tế tại đường Lê Văn Lương, dù không phải giờ cao điểm nhưng các phương tiện khác vẫn tràn vào làn riêng BRT để đi. Theo tôi việc TP. Hà Nội dự kiến thay thế tuyến BRT 01 bằng một tuyến đường sắt đô thị là việc nên làm. Điều này sẽ tốt hơn cho giao thông thủ đô bởi để hiện trạng như hiện tại có gì đó không phù hợp với ý thức giao thông của người dân”, anh Trường nêu quan điểm.
Cần nhấn mạnh, tuyến BRT01 dài hơn 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỷ đồng/xe và được đưa vào sử dụng tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm, làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng nhưng sau gần 8 năm chạy thử nghiệm BRT 01 đã không đạt được mục tiêu đầu tư, không tương xứng với số tiền Nhà nước đã bỏ ra.
Diễn đạt sự thất bại của tuyến xe buýt nghìn tỷ này nhiều người dân ví von những chiếc xe lấn làn BRT được gọi vui là “xe dẫn đoàn” do chúng thản nhiên chạy thong dong trên làn ưu tiên, dù cho phía sau là xe bus BRT01 đang kiên nhẫn bám đuôi và bấm còi “mỏi tay”.
Đánh giá về tính hiệu quả của BRT01, anh Nguyễn Thế Long, nhân viên văn phòng tại đường Lê Văn Lương, Hà Nội nói, thỉnh thoảng, anh có đi làm bằng tuyến BRT01. Nếu với điều kiện bình thường, không tắc đường bus BRT01 đi khá thoải mái nhưng nếu di chuyển bằng vào lúc sáng sớm hay lúc chiều muộn thì thật sự là một trải nghiệm rất tệ. Khi đó xe máy, ô tô cũng như các phương tiện khác lấn vào làn BRT dẫn đến xe bus BRT "đứng hình" trên phần đường của mình. Còn nếu điểm đón hành khách gần với ngã tư giao cắt có đèn giao thông thì tình hình không khác gì ‘thảm họa”.
“Với trải nghiệm thực tế tôi thấy bus BRT không hiệu quả. Chừng nào mà hạ tầng giao thông còn nhiều áp lực, số lượng người tham gia giao thông lớn thì làn riêng của BRT là không có ý nghĩa gì cả. Nói thật, so BRT với việc di chuyển bằng xe máy thì tôi thấy xe máy nhanh, phù hợp hơn”, anh Long so sánh.
Nhiều ý kiến của người dân từng là hành khách của BRT01 cũng như người tham gia giao thông trên tuyến BRT01 mà PV Báo Công lý ghi nhận, đều cho rằng vai trò của BRT 01 hiện nay không đúng như kỳ vọng. Họ chỉ lựa chọn BRT 01 để di chuyển vào những khung giờ bình thường hoặc do không có phương tiện cá nhân, còn trong khung giờ cao điểm, đa số đều lựa chọn di chuyển bằng xe máy hoặc các phương tiện khác.
Cần phải nhắc lại một số đề xuất liên quan BRT 01 của một số cơ quan chức năng mà theo người dân đó là cách gián tiếp thừa nhận sự thất bại của tuyến bus nhanh này. Cụ thể, vào năm 2018, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) đề xuất việc sử dụng làn đường ưu tiên của xe bus nhanh cho các phương tiện khác hoạt động. Các tuyến bus thường được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 4h đến 23h hàng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ngay lập tức phản bác và khẳng định "BRT là tuyến riêng" và BRT 01 vẫn duy trì riêng như hiện trạng.
Thế nhưng, tới tháng 6/2022, chính Sở Giao thông vận tải Hà Nội lại đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép xe khách từ chỗ trở lên, xe công vụ, xe cứu nạn, cứu thương được chạy trên đường dành riêng cho bus nhanh BRT.
Đề xuất này căn cứ từ việc tuyến bus nhanh BRT hoạt động chưa hiệu quả, trong khi lưu lượng phương tiện giao thông cao, đặc biệt vào giờ cao điểm, gây tình trạng ùn ứ.
Đề xuất này sau đó tiếp tục nhận được sự phản biện của nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhưng rồi lại rơi vào im lặng không thấy thực hiện.
Cho đến thời điểm hiện tại, về mặt quy định chưa có phương tiện nào được phép di chuyển trong làn của bus BRT01 nhưng ghi nhận của PV, chỉ có một loại xe được sử dụng làn dành riêng của BRT01 để di chuyển chính là xe… quét đường. Loại xe này được hoạt động trên làn BRT trong quãng thời gian từ h đến 4h hàng ngày với nhiệm vụ chính là dọn dẹp vệ sinh, làm sạch sẽ cho đường phố thủ đô.
*Mời quý độc giả đón đọc Kỳ 3: Chuyên gia nói gì về “số phận” của bus BRT?
Thực hiện nội dung: Dương Dũng, Đức Sơn, Tuyết Nhung.
Hình ảnh, Đồ họa: Dương Dũng.