Đỗ Tử Bình là một đại quan dưới thời Trần, đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, có nhiều công lao, đóng góp to lớn. Con đường quan lộ, sự nghiệp của ông cũng trải qua nhiều bước thăng trầm, và hiện còn nhiều vấn đề “tranh cãi” xoay quanh sự kiện “biển thủ 10 mâm vàng do Chế Bồng Nga đút lót”. Hội thảo khoa học với chủ đề “Trần triều Thái bảo Đỗ Tử Bình (13-1383) – Thân thế và sự nghiệp” do UBND tỉnh Thái Bình và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức đã đưa ra nhiều góc nhìn, giả thuyết, phần nào làm sáng tỏ những “oan khuất” của ông.
Lý giải, làm sáng tỏ những góc khuất lịch sử
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, sự nghiệp và công lao của Thái bảo Đỗ Tử Bình đã được lịch sử chứng minh, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề chưa tường minh cần làm rõ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng bày tỏ niềm tin vào trí tuệ và trách nhiệm của các quý vị đại biểu, các nhà khoa học để nhằm đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra của Hội thảo.
Những góc khuất về nghi án “biển thủ 10 mâm vàng”
Trong sự nghiệp của Thái bảo Đỗ Tử Bình không thể không nhắc đến sự kiện “10 mâm vàng”. Bộ quốc sử thời Lê “Đại Việt sử ký toàn thư”có đoạn chép về sự kiện này như sau:“Trước đây, chúa Chiêm Thành Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua sai Hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hóa Châu. Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng lên vua. Tử Bình ỉm đi, cướp làm của mình, nói dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh… ”. Dữ kiện này cũng đã gây nên nhiều tranh cãi, hoài nghi và tốn nhiều giấy mực của các chuyên gia, nhà nghiên cứu; cũng như đặt ra vấn đề quan trọng là cần tiếp tục làm sáng tỏ hơn để tránh những định kiến về ông.
Với tham luận “Cuộc đời và sự nghiệp Thái bảo Đỗ Tử Bình qua tài liệu Thư tịch Hán Nôm và khảo sát điền dã”, GS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra những lập luận, phân tích về văn bản học và giả định: Thời gian Đỗ Tử Bình vào Hóa Châu trước năm 1376 này có ba lần (năm Nhâm Dần 1362, năm Đinh Mùi 1367, năm Nhâm Tý 1372). Những lần này đều cách xa thời điểm vua quyết định chinh phạt Chiêm Thành năm 1376. “Nếu có biếu vàng thì đó không phải là lễ cống nạp. Bởi lệ cống nạp không phải bằng vàng mà bằng sản vật địa phương. Mặt khác, nếu 10 mâm vàng dâng lên vua mà bị Đỗ Tử Bình giấu đi thì tội rất nặng, lập tức bị trừng trị, chứ không thể được đi hộ tống vua ra trận được. Hơn nữa, đoạn chép này không phải biên niên sự kiện mà liên tưởng đến sự kiện từng xảy ra trước đó. Thực tế, trong bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư không phải không có nhầm lẫn”, GS.TS Đinh Khắc Thuân nhận định.
Theo GS.TS Đinh Khắc Thuân, nếu vì 10 mâm vàng mà dối vua để vua phải thân chinh ra trận, dẫn đến thiệt mạng, thì tội của Đỗ Tử Bình không hề nhỏ. Tuy nhiên, ông chỉ bị khép tội Hoành nhi, cho về quê làm ruộng, và chỉ một thời gian rất ngắn, ông đã được gọi về triều phục chức Hành khiển, chỉ huy quân chống lại Champa giành thắng lợi vào năm 1378 và đến năm 1380 giữ chức Nhập nội Hành khiển, Tả Tham tri chính sự lãnh Lạng Giang Kinh lược sứ.
Cũng đặt ra câu hỏi “Câu chuyện 10 mâm vàng có thật không?” và đưa ra những lập luận xác đáng, PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, việc Đỗ Tử Bình nhận 10 mâm vàng của Chế Bồng Nga rồi giấu đi vẫn là một nghi án chính trị phi lý trong lịch sử triều Trần, bởi cống phẩm theo định lượng mâm vàng là chưa có tiền lệ.
TS. Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng dẫn chứng thêm: Chiêm Thành dưới thời Chế Bồng Nga thường xuyên đem quân quấy nhiễu, xâm phạm biên cương Đại Việt, thậm chí còn đánh ra tận Thăng Long, đốt phá, cướp bóc thì chứng tỏ họ rất mạnh, và tự tin. Không có lẽ, họ lại phải đem vàng ra biếu, nhưng lại đem quân đi xâm lược? Từ đó, ông đưa ra giả định: “Có thể đó là cái cớ để họ ly gián vua tôi nhà Trần, giữa vua Trần Duệ Tông và những người đang trấn thủ biên cương là Đỗ Tử Bình. Dù vua tôi nhà Trần không xảy ra mâu thuẫn, xong cũng khiến cho Duệ Tông nổi giận và dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, bỏ ngoài tai những lời can ngăn của đại thần. Trong tình huống đó, dễ mắc sai lầm, và sự thật nhà vua đã bị kích động và rơi vào bẫy của quân Chiêm”.
Khẳng định công lao, đóng góp to lớn của Đỗ Tử Bình
Nhìn nhận lại lịch sử, trên con đường quan lộ của mình, Thái bảo Đỗ Tử Bình đã được giao trị nhậm ở những vùng đất quan yếu, nơi biên ải như thành Hóa Châu – với vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ, tấn công, bảo vệ và mở rộng lãnh thổ của Đại Việt, đặc biệt là có ý nghĩa đối với sự an nguy của Kinh thành Thăng Long. Ông còn là một nhà quân sự, một tham mưu chính trị xuất sắc với kế sách “Bình Chiêm an quốc”, đề xuất thuế Dung học theo cách của nhà Đường đã giúp nhà Trần giải quyết khó khăn rất cần việc cho nhà binh mà lúc đó kho tàng đang trống rỗng, giúp đưa công cuộc bình Chiêm thắng lợi. Khi ông mất được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông ban Thiếu bảo và cho tòng tự ở Văn Miếu, thờ chung với Chu Văn An và Trương Hán Siêu. Các triều đại về sau đều có sắc phong cho Đỗ Tử Bình và cho dân lập đền thờ ông.
Kết luận Hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, các tham luận, ý kiến của đại biểu, nhà nghiên cứu đã gợi mở nhiều nội dung, khẳng định công lao và những đóng góp của Thái Bảo Đỗ Tử Bình đối với lịch sử dân tộc. Cuộc đời của Thái Bảo Đỗ Tử Bình có thăng, có trầm nhưng công trạng của ông đã được ghi nhận và được nhân dân thờ phụng.
Xoay quanh một số câu chuyện về cuộc đời của Thái Bảo Đỗ Tử Bình như việc “biển thủ 10 mâm vàng do Chế Bồng Nga dâng vua”, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, cần phải dựa trên nhiều nguồn tư liệu, để đối chiếu, so sánh, phân tích, lý giải tìm ra nội dung hợp lý, chứ không thể chỉ dựa trên một nguồn thông tin để kết luận. Ông nhấn mạnh: “Cuộc đời và sự nghiệp của Thái Bảo Đỗ Tử Bình cần được tiếp tục nghiên cứu, để có thêm những thông tin, từ đó phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa mà ông để lại cho hậu thế”.