“Mình rồng” là con sông lớn nhất thế giới - Mê Kông đi qua 6 quốc gia. Tại Việt Nam, sông Mê Kông chia thành 2 nhánh - sông Tiền và sông Hậu đổ ra biển theo chín cửa sông như chín “đầu rồng” vươn ra biển lớn. Những con sông nước ngọt mang phù sa bồi đắp tạo nên vùng đồng bằng phì nhiêu lớn nhất thế giới - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Khi nói đến vùng đất ĐBSCL, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh sông rạch chằng chịt, len lỏi đến khắp mọi nơi như những mạch máu đưa dòng máu chạy khắp “cơ thể”, nuôi sống vùng đất này.
Tuổi thơ của người con vùng đất này in đậm dấu ấn những kỷ niệm về sông nước. Khi chập chững tập đi là đã biết tìm chỗ “vọc nước”; chưa vào lớp 1 là đã biết tắm sông, thả tàu giấy, câu cá trên sông...
Dòng nước không chỉ chuyên chở phù sa, mà còn mang lại nhiều nguồn lợi khác cho cư dân, từ nước để sinh hoạt hàng ngày đến nước dùng để trồng trọt, nuôi trồng. Các hoạt động sinh kế của người dân nơi đây đều dựa trên nguồn nước. Sông nước cũng là nơi tụ họp chợ, vận chuyển mua bán, trao đổi hàng hóa. Các hoạt động vui chơi, giải trí của cộng đồng cũng gắn liền với sông nước.
Có thể nói, nước là chính là khởi nguồn sự sống của người dân vùng đất “chín rồng”, mọi thay đổi về nước là thách thức lớn nhất đối với hàng chục triệu người dân nơi đây.
ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, có diện tích khoảng 4 triệu ha, dân số khoảng 18 triệu người. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước với đóng góp khoảng 18% GDP quốc gia và hơn 50% tổng sản lượng lương thực, 65% sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản của quốc gia, 70% sản lượng trái cây cho cả nước.
Thách thức hiện nay tại vùng đất này đó là lưu lượng, chất lượng nguồn nước đổ về ngày càng suy giảm bởi các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu. Những thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt không chỉ đe dọa phá hủy sức sản xuất của đồng bằng, mà còn phá vỡ kết cấu xã hội, truyền thống văn hóa của cả một lớp người Việt đã xây dựng hàng trăm năm nay.
Nói về thách thức của vùng ĐBSCL, PGS TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu cho rằng, điều lo ngại nhất đó là các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông cho xây dựng - 25 đập thủy điện đã biến toàn bộ hạ nguồn thành hệ sinh thái hồ là con sông chết theo đúng nghĩa đen của nó.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về môi trường cho rằng, nói đến tài nguyên nước thì không chỉ là thể tích nước mà còn là chất lượng nước. Số lượng nước dù nhiều nhưng bị ô nhiễm thì cũng không còn giá trị. Môi trường nước bị ô nhiễm, xâm nhập mặn hay bị ngọt có thể dẫn đến thay đổi thảm thực vật, thành phần các loài sinh vật và hoạt động sống của con người.
“Không thể để ĐBSCL mang vòng kim cô an ninh lương thực mãi”, đó là khuyến nghị của nhóm chuyên gia nghiên cứu, biên soạn Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Đại học FulBright.
Theo các chuyên gia nghiên cứu Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL, nhiều năm nay, đất “chín rồng” phải thực hiện sứ mệnh giữ an ninh lương thực cho cả nước, tức là phải giữ diện tích trồng lúa, thâm canh tăng vụ, tăng sản lượng khi đất nước có nhu cầu cần gia tăng sản lượng lương thực. Dù chính sách này đã giúp Việt Nam từ quốc gia thiếu lương thực trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo, nhưng do tỷ suất lợi nhuận từ ngành lương thực thấp, thu nhập của người trồng lúa không cao, hệ quả là vì kìm giữ diện tích trồng lúa mà nông dân đất “chín rồng” chưa giàu.
Một số lượng lớn lạo động trẻ có trình độ, tay nghề có xu hướng chuyển dịch sang vùng kinh tế công nghiệp năng động để có được thu nhập cao, khiến cho vùng ĐBSCL ngày càng thiếu nhân lực, không phát huy được thế mạnh đang trong thời kỳ dân số vàng.
“Để người nông dân đất “chín rồng” giàu lên thì điều đầu tiên là phải thay đổi tư duy về an ninh lương thực; cho phép các địa phương chỉ giữ lại một diện tích đất trồng lúa đủ đảm bảo an ninh lương thực, phần còn lại cho phép chuyển đổi linh hoạt diện tích đất lúa còn lại sang lĩnh vực phát triển kinh tế cho gia trị gia tăng cao hơn.
Đồng thời, các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng cần tăng cường quản trị và quản lý tài nguyên nước, xem nguồn nước như một hàng hóa, chính sách giá nước sẽ góp phần để người sử dụng tiết kiệm, có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần liên kết và thống nhất đưa ra thể chế quản trị và điều phối vùng.
Về tài chính, "vì vùng ĐBSCL không phải là một cấp ngân sách, nên cần xây dựng cơ chế tài chính sáng tạo nhằm có vốn để đầu tư cho các chương trình, dự án liên kết vùng”, chuyên gia nghiên cứu, biên soạn Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL đề xuất.
Chia sẻ tại Hội nghị công bố quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, xác định kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế- xã hội và thúc đẩy liên kết vùng, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn vùng ĐBSCL dự kiến đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, còn khoảng 140.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng. Như vậy, tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 cho vùng ĐBSCL lên đến khoảng 460.000 tỷ đồng.
Mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường Quốc lộ; nâng cấp 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa tại vùng ĐBSCL.
“Với tầm nhìn, định hướng phát triển vùng được xác định rõ ràng, nhất quán, các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang được tập trung đầu tư lớn và đồng bộ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng ĐBSCL”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng.