Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo ban ngành của tỉnh Bình Định với thanh niên năm 20.
Tại hội nghị đối thoại diễn ra ngày 20/3, vấn đề được đoàn viên thanh niên đặc biệt quan tâm xoay quanh việc chuyển đổi số. Giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số hiện nay nhất là người lớn tuổi, những người trong khu vực nông thôn. Định hướng nào cho thanh niên phát triển các dự án khởi nghiệp, lập nghiệp gắn với sự phát triển nông nghiệp của tỉnh, nhất là các chế độ, chính sách...
Một số vấn đề trong việc đào tạo nghề gắn với việc làm. Các định hướng, cơ chế để thu hút đoàn viên thanh niên sau khi ra trường có việc làm các ngành nghề tại tỉnh…
Đại diện lãnh đạo các sở ngành của tỉnh Bình Định đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc, kiến nghị mà đoàn viên thanh niên nêu ra tại buổi đối thoại.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, qua buổi đối thoại có những ý kiến rất cụ thể, và cũng có những ý kiến mang tính chất hoài bão, tư tưởng. Mặc dù, rất nhỏ nhưng có thể giúp cho lãnh đạo nghĩ ra những tư tưởng lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, từ tháng 4, hàng tháng đoàn các cấp tập hợp tất cả các ý kiến vướng mắc, đề xuất của thanh niên, để gửi cấp chính quyền trả lời. Tỉnh đoàn tập hợp ý kiến theo thẩm quyền, gửi sang UBND tỉnh.
“Chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản tất cả ý kiến. Nếu có đề xuất mang tính táo bạo, khác biệt thì lãnh đạo tỉnh sẽ gặp trực tiếp, để lắng nghe. Từ đó, sẽ có quyết sách để nâng tầm ý tưởng, thành việc lớn cho tỉnh”, ông Phạm Anh Tuấn cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đánh giá cao những đóng góp của thanh niên, đồng thời yêu cầu, thanh niên cần tham gia sâu hơn vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đoàn viên thanh niên của Bình Định, chảy máu chất xám ra ngoài tỉnh quá nhiều.
“Nhiều sinh viên học đại học ở TP.HCM, nước ngoài nhưng sau đó chọn ở lại và hiếm khi quay về Bình Định làm việc. Đây là trách nhiệm của phụ huynh và suy nghĩ của thanh niên, từ lúc còn ngồi ghế nhà trường”, ông Phạm Anh Tuấn nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thanh niên cần hiểu để gắn bó với tỉnh, trong giai đoạn tới, đặc biệt khi triển khai quy hoạch. Bản quy hoạch là công sức, trí tuệ, tâm huyết, mong mỏi của các bậc lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, của nhân dân. Nhưng không cẩn thận, sẽ không có người thực sự tâm huyết, không có người thực sự là người Bình Định thực hiện.
Ngoài ra, với vị trí địa lý tự nhiên, Bình Định hội tụ rất nhiều yếu tố và dư địa phát triển trên mọi lĩnh vực.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 xác định 5 trụ cột, 3 khâu đột phá trong phát triển. Trong đó, đột phá về thể chế chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Nguồn nhân lực chính, được đào tạo từ thanh niên. Thanh niên có chuyên môn nghiệp vụ bài bản, đủ phẩm chất, đạo đức tốt, chính quyền sẽ chào đón dưới dạng thu hút tài năng. Được định hướng đào tạo, bố trí công việc, để thành lãnh đạo trong tương lai.
Năm 2023, tỉnh thu ngân sách gần 13.000 tỷ đồng, định hướng năm 2035 là trên 40.000 tỷ đồng.
Trong quy hoạch, đã chỉ rõ các giải pháp để làm việc này, nhưng chưa lường được việc có chọn được nhân sự, để thực hiện tốt hay không?.
Việc này, trông chờ vào đoàn viên thanh niên, vậy nên ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu, thanh niên cần học tập, rèn luyện tri thức, đạo đức. Đặc biệt, phải nghĩ lớn, mạnh dạn làm và có tham mưu đột phá.
“Bây giờ phải nghĩ lớn, lúc nào tôi cũng nói với anh em, phải nghĩ Bình Định phấn đấu như Paris. Tại sao phải nghĩ Bình Định phấn đấu bằng Đà Nẵng, TP.HCM, tôi chưa chưa bao giờ nghĩ như vậy, mà lúc nào cũng nghĩ phấn đấu như Paris. Nghĩ như vậy, thì sẽ tạo ra cách làm đột phá, cách làm mới. Về cơ bản hạ tầng ở Bình Định tốt, quy hoạch xây dựng không bị “vỡ trận”, không gian tự nhiên nguyên vẹn và mọi thứ vẫn đang bắt đầu”, ông Phạm Anh Tuấn nói.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, tại chuyến công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Bình Định đến các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất.
Khi tham quan đảo cọ ở đây, thì không đẹp bằng thiên nhiên ở Bình Định, nhưng lại được cả thế giới tìm đến.
Họ tạo ra để kinh doanh, chứ không phải quá giàu mới làm được làm việc đó. Bởi, khi làm xong thì thu được rất nhiều tiền, vượt xa vốn đầu tư ban đầu. Trong khi đó, Bình Định có đảo tự nhiên, còn họ lại tự tạo ra đảo để hút khách.
“Tôi nói vậy, để đoàn viên thanh niên phải nghĩ lớn, mạnh dạn làm và tham mưu đột phá, vì lợi ích chung. Phải rèn luyện vượt khó, lúc còn thanh niên trai trẻ mà kinh qua nhiều việc khó, thì chắc chắn sau này sẽ trưởng thành. Nếu lúc trẻ được ưu ái, được bế vào các vị trí, không trải qua giai đoạn trưởng thành, thì sau này gặp rất nhiều rủi ro”, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, Tỉnh đoàn làm việc với Văn phòng UBND tỉnh để cung cấp thông tin cho thanh niên, về tình hình kinh tế - xã hội, định hướng công việc của tỉnh, việc này phải làm hàng tháng, đưa nội dung này vào chuyên đề sinh hoạt.
Đánh giá cao mô hình thanh niên tham gia HTX nông nghiệp tại huyện Hoài Ân, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao cho Sở NNPTNT tỉnh và các cơ quan liên quan, tiến hành nhân rộng mô hình này, cho tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chính quyền sẽ tạo mọi điều kiện về đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và vốn cho đoàn viên thanh niên, khi có nhu cầu khởi nghiệp, kinh doanh.