Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 3/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo phê duyệt, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Bắc Kạn, quy mô 4.859,96 km2 gồm 8 đơn vị hành chính: Thành phố Bắc Kạn và 7 huyện (Chợ Mới, Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm).
Mục tiêu Quy hoạch là đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững của vùng với hệ thống không gian phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa.
Kinh tế phát triển theo hướng xanh và năng động với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định, bền vững; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Cụ thể, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%; trong đó: Dịch vụ tăng trên 8%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trên 3,5%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng trên 11%/năm.
Cơ cấu kinh tế: Ngành dịch vụ chiếm khoảng 54%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 20%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng % (công nghiệp chiếm khoảng 12%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp khoảng 2%.
Về xã hội: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,8%; duy trì tỷ lệ khoảng 16 bác sĩ/1 vạn dân; số giường bệnh/vạn dân đạt tối thiểu 35 giường; phấn đấu 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 98%...
Phát triển khu du lịch hồ Ba Bể trở thành Khu du lịch quốc gia
Theo phương hướng phát triển, ngành du lịch phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường; giữ gìn, phát huy, bảo tồn các giá trị di sản, các giá trị văn hóa của địa phương; đẩy mạnh thu hút đầu tư trọng điểm vào một số dự án, tổ hợp du lịch với phạm vi, quy mô lớn theo hướng du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe với các dịch vụ giải trí, thể thao chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng cao; xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, mang thương hiệu và đặc thù của tỉnh bao gồm: Du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp sân golf; du lịch gắn với giá trị văn hóa, lịch sử; du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng; du lịch gắn với phát triển sản phẩm OCOP.
Đầu tư, phát triển khu du lịch hồ Ba Bể trở thành Khu du lịch quốc gia với các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng và liên kết chặt chẽ với các khu du lịch trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; phát triển du lịch Hồ Nặm Cắt trở thành khu du lịch cấp tỉnh; phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 điểm, khu du lịch được công nhận.
Phát triển các cụm du lịch gồm: Cụm du lịch Ba Bể và phụ cận; cụm du lịch thành phố Bắc Kạn và phụ cận; cụm du lịch (ATK) Chợ Đồn và phụ cận; cụm du lịch Na Rì - Ngân Sơn.
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững
Bắc Kạn phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo định hướng kinh tế nông nghiệp với việc hình thành, phát triển các chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết nội tỉnh, nội vùng, giữa các vùng, quốc gia và quốc tế.
Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chí và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế rừng với 03 trọng tâm gồm phát triển thị trường tín chỉ cacbon, phát triển điện sinh khối, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác. Xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, có hiệu quả cao; nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế đối với rừng sản xuất; phát triển các vùng sản xuất tập trung, đạt tiêu chuẩn bền vững để đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phát triển, trồng cây dược liệu dưới tán rừng và sản phẩm lâm nghiệp ngoài gỗ; chú trọng phát triển dịch vụ môi trường rừng...
Xây dựng tuyến giao thông huyết mạch phát triển kinh tế
Trước đó, trong chuyến làm việc Thủ tướng Phạm Minh Chính vào /7/2023, Thủ tướng đã đi khảo sát thực địa hai dự án đường bộ trọng điểm của tỉnh là đường cao tốc Chợ Mới-thành phố Bắc Kạn và tuyến đường thành phố Bắc Kạn-Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang).
Tuyến đường có chiều dài tuyến 76,25 km, tổng mức đầu tư: 3.837,809 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2025. Hiện nay, đoạn tuyến thành phố Bắc Kạn-hồ Ba Bể, với chiều dài 39 km, tổng mức đầu tư 2.337,809 tỷ đồng đã triển khai thi công từ tháng 4/2022, đạt 60% khối lượng.
Riêng đoạn tuyến hồ Ba Bể-Na Hang (Tuyên Quang) chiều dài 37 km, đang hoàn tất chuẩn bị đầu tư, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp trong tháng 11/2023, khởi công trong tháng 12/2023 và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Tại cuộc làm việc Thủ tướng đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới-Bắc Kạn. Tuyến đường cao tốc Chợ Mới-thành phố Bắc Kạn có tổng chiều dài gần 29 km; tổng mức đầu tư khoảng hơn 5.750 tỷ đồng. Theo lộ trình, dự án sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và tái định cư từ năm 2023-20; khởi công, thi công xây dựng công trình từ đầu năm 20 và hoàn thành cuối năm 2025.
Trên cơ sở Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 21/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho dự án là 1.8 tỷ đồng.